Tại sao chúng ta sợ nói KHÔNG?
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những người có khuynh hướng lôi kéo và điều khiển chúng ta, họ muốn lợi dụng chúng ta, hay chỉ đơn giản là muốn chi phối chúng ta, về tinh thẩn hoặc thể chất.
Chúng ta phải làm cho những người này hiểu rằng chúng ta đang kiểm soát cuộc sống của chúng ta, kiểm soát được tinh thần, cảm xúc, thời gian, tiền bạc… của chúng ta.
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình phải nói CÓ trong khi mình muốn nói KHÔNG ? Thực sự mà nói, hầu hết chúng ta sợ nói KHÔNG.
Tại sao?
Sự e ngại phải từ chối người khác.
Các nhà tâm lý học cho rằng nguyên nhân của sự e ngại này bắt nguồn từ nỗi sợ bị từ chối. Chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta từ chối một ai đó chúng ta sẽ phải hứng chịu hậu quả tai hại, ít nhất là làm mất đi tình bạn hay sự yêu mến của người đó.
Có thể điều này đúng với một số trường hợp. Nhưng khi bạn mua một đôi giày hay ký một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chỉ vì người bán hay người môi giới năn nỉ bạn, có phải bạn làm điều này cũng là do sợ bị từ chối? Thậm chí ngay cả khi bạn không hề quen biết người bán hàng hay người môi giới trong trường hợp này.
Có lẽ vậy, nhưng các nhà tâm lý đã khám phá rằng hầu hết chúng ta không thích cảm giác bị từ chối, ngay cả khi chúng ta bị người mà ta không thích hay không biết từ chối chúng ta. Thật thú vị phải không?
Những người không bao giờ nói KHÔNG cũng cảm thấy sợ bị cho là ích kỷ, ví dụ khi từ chối mời 25 khách cho bữa tối Giáng Sinh, từ chối làm tài xế cho con họ, hay từ chối việc phải thường xuyên làm việc ngoài giờ mà không được trả tiền phụ trội để làm vừa lòng ông chủ.
Hậu quả của thái độ đó là gì?
Có phải bạn ngày càng cảm thấy ấm ức ?
Nếu bạn không chịu học cách nói KHÔNG, thì chắc chắn rằng sự ấm ức sẽ như một liều thuốc độc ngày càng dồn nén trong người bạn. Bạn sẽ cảm thấy như đang bị lợi dụng, rằng bạn là người mà ai cũng có thể sai khiến, bởi vì bạn luôn nói CÓ.
Vậy đã đến lúc giải độc!
Các chính khách khôn ngoan không để ai dễ dàng vượt qua họ. Những người như Napoleon, Roosevelt, Washington và Gandhi …dứt khoát không phải là những người dễ bị sai khiến. Phải rất khó khăn để thuyết phục họ và chắc chắn họ biết cách để khẳng định mình. Tại sao ta không noi gương họ.
Làm thế nào để từ chối?
Trước hết, hãy cố tránh đừng biểu hiện thái độ không vui, la hét hay khóc lóc v.v … Nói KHÔNG không có nghĩa là bạn phải đấm tay xuống bàn. Những gì bạn cần là sự dứt khoát.
5 quy luật vàng để nói KHÔNG
Dưới đây là một vài quy luật vàng – bạn sẽ thấy ngay hiệu quả khi áp dụng chúng.
1. Chú ý lắng nghe những đề nghị và dành thời gian suy nghĩ về nó trước khi trả lời
Ví dụ, nếu ai đó gọi cho bạn và đề nghị bạn đi mua sắm với họ và bạn không chắc bạn có thích đi hay không, bạn có thể lịch sự trả lời : Tôi phải suy nghĩ về điều này. Lát nữa tôi sẽ gọi lại cho bạn.
2. Hãy nói sự thật
Đừng nêu những lý do không thỏa đáng, hay những lý do bịa đặt mà rồi bạn sẽ quên đi, nói dối sẽ làm cuộc sống bạn phức tạp hơn.
3. Đưa ra thông điệp của bạn một cách nhã nhặn và tế nhị
Từ chối ai đó không có nghĩa là đẩy họ đến chỗ chết. Ví dụ bạn được mời đến một buổi gặp gỡ, bạn nên nói “Xin cán ơn đã nghĩ đến tôi, nhưng tôi không nghĩ là tôi có thời gian …” Thay vì nói : “Tôi không muốn đi. Nó thật vô vị đối với tôi”
4. Đừng bao giờ cãi cọ, đó là một sai lầm, đặc biệt khi người khác khiêu khích bạn
Giữ bình tĩnh và mỉm cười, đó là vũ khí tốt nhất để chống lại bất cứ ai làm ra vẻ bị sốc vì lời từ chối bất ngờ của bạn nhằm để bạn chiều theo mong muốn của họ. Tránh tất cả mọi loại thảo luận về lời từ chối này. Bạn không phải đưa ra những giải thích không cần thiết. Chỉ cần mỉm cười và nói KHÔNG.
Ví dụ : chồng hoặc vợ bạn đi làm về và thông báo rằng anh ấy (hay cô ấy) đã mời một bạn đồng nghiệp ăn cơm vào tối thứ bảy. Anh ta biết rằng bạn đã mong đợi buổi đi xem phim hoặc đi xem hát vào tối hôm đó, vì vậy anh ta sẽ cố gắng thuyết phục bạn thay đổi.
Nếu bạn thực sự thích xem phim hay xem kịch, thì không có lý do nào để bạn không đi. Đừng để bị lôi cuốn vào một cuộc tranh luận kéo dài, mà nó có khả năng trở thành một cuộc chiến để cả hai có thể sẽ nói những điều khiến bạn ân hận. Lặp lại một cách giản dị, lịch sự và bình tĩnh ở mức tối đa có thể, rằng bạn muốn được đi chơi tối hôm đó.
Chồng (vợ) bạn có thể tiếp đãi khách của anh ta (cô ta) vào lúc khác.
Bạn sẽ nói “Thế thì anh ấy (cô ấy) sẽ phải giải thích lý do vắng mặt của mình”
Đó là vấn đề của anh ta (cô ta), không phải của bạn.
5. Đừng tự trách mình
Không có lý do gì để bạn phải tìm cách xin lỗi vì bạn phải nói không với ai đó. Đó là quyền cá nhân của bạn.
Bằng việc đưa ra lời xin lỗi, bạn đã tự hạ thấp mình, bạn đã biểu lộ nỗi e ngại và để người khác cảm thấy rằng anh ta có thể phá vỡ sự phòng thủ của bạn và làm bạn thay đổi quyết định. Một cuộc thảo luận sẽ diễn ra và bạn có thể kết thúc bằng cách nhân nhượng để giữ hòa khí. Quá tệ!
Dưới đây là một vài tin tốt lành : theo các chuyên gia, khó nhất là nói từ KHÔNG lần đầu tiên. Khi bạn không thu được kết quả với lời từ chối lần đầu thì đó không phải là thảm họa, sau đó sẽ dễ dàng hơn để từ chối lần thứ hai.
Vậy bạn còn chờ gì nữa?
Nguồn: baihocthanhcong.com